Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Công văn Số: 649/TCDN-ĐTN về việc Tổ chức thi tốt nghiệp khóa I

Công văn Số: 649/TCDN-ĐTN về việc Tổ chức thi tốt nghiệp khóa I

19/05/2010

BỘ LAO ĐỘNG - THƯ­ƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC DẠY NGHỀ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 649/TCDN-ĐTN
V/v: Tổ chức thi tốt nghiệp
cao đẳng nghề khóa I
Hà Nội, ngày 07 tháng 5 năm 2010

Kính gửi:………………………………..………………………………………………......................
Luật Giáo dục 2005, Luật Dạy nghề 2006 quy định Dạy nghề có 3 cấp trình độ là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; thực hiện quy định nói trên, các trường cao đẳng nghề, trường cao đẳng, đại học có đăng ký hoạt động dạy nghề đã tổ chức đào tạo nghề trình độ cao đẳng từ khoá học 2007 – 2008. Trong năm 2010, khoá Cao đẳng nghề đầu tiên sẽ thi tốt nghiệp ra trường. Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá I đạt kết quả tốt, Tổng cục Dạy nghề hướng dẫn một số nội dung cơ bản để các trường thực hiện, cụ thể như sau:
I. YÊU CẦU CHUNG
- Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề khoá I đảm bảo nghiêm túc, an toàn, phản ánh đúng thực chất kiến thức và kỹ năng thực hành của sinh viên.
- Tuân thủ Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày24 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Nội dung đề thi tốt nghiệp phải nằm trong chương trình khung, chương trình đào tạo nghề của nhà trường và đáp ứng được yêu cầu đánh giá, phân loại trình độ kiến thức, kỹ năng của người học nghề đã tích luỹ được trong quá trình học tập và rèn luyện.
- Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc tổ chức thực tập cuối khoá, ra đề thi, chấm thi và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.
- Đối với các trường thực hiện thí điểm tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung, cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc biên soạn đề thi và chấm thi tốt nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc biên soạn đề thi và chấm thi đối với các trường chưa thực hiện thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung. Qua việc tham gia biên soạn đề thi và chấm thi tốt nghiệp, các doanh nghiệp có thể lựa chọn, tuyển dụng được lao động qua đào tạo theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đồng thời nhà trường cũng thấy rõ yêu cầu của doanh nghiệp và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
II. NỘI DUNG THI, MÔN THI TỐT NGHIỆP
1. Nội dung: Nội dung đề thi tốt nghiệp phải nằm trong chương trình khung, chương trình đào tạo nghề của từng nghề.
2. Các môn thi tốt nghiệp: Các môn thi tốt nghiệp trình độ cao đẳng nghề bao gồm Chính trị, Lý thuyết chuyên môn và Thực hành nghề.
- Môn Chính trị: Môn Chính trị được tổ chức theo hình thức thi viết tự luận với thời gian 120 phút hoặc thi trắc nghiệm với thời gian 60 phút; có thể bố trí thi môn Chính trị sau khi kết thúc môn học (Không chờ đến kỳ thi tốt nghiệp).
- Môn Lý thuyết chuyên môn nghề và Thực hành nghề
+ Thi lý thuyết chuyên môn nghề được tổ chức theo hình thức thi viết (tự luận hoặc trắc nghiệm) với thời gian thi không quá 180 phút hoặc thi vấn đáp với thời gian cho 1 thí sinh là 40 phút chuẩn bị và 20 phút trả lời.
+ Thi thực hành nghề được tổ chức theo hình thức thực hành bài tập kỹ năng để hoàn thiện toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm hay dịch vụ. Thời gian thi thực hành cho một đề thi từ 01 đến 3 ngày và không quá 8 giờ/ngày. Cần xác định bài tập kỹ năng phù hợp, có chứa những kỹ năng cơ bản của nghề để hoàn thiện toàn bộ hoặc một phần của sản phẩm hay dịch vụ; sinh viên cần phải vận dụng những kiến thức, kỹ năng cơ bản và quan trọng đã được học để thực hiện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN KỲ THI TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ K1
Kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa I (2007-2010) tại từng trường được thực hiện theo kế hoạch tiến độ khoá học/năm học của nhà trường.
Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá 1 đạt kết quả tốt, các trường cần thực hiện tốt các công việc sau:
- Trên cơ sở Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề hệ chính quy, ban hành kèm theo Quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày24 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hiệu trưởng nhà trường xây dựng, ban hành nội quy thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở mình;
- Thành lập Hội đồng thi tốt nghiệp (Tiểu ban đề thi, Tiểu ban coi, chấm thi), Hội đồng xét và công nhận tốt nghiệp;
- Lập, triển khai kế hoạch thi tốt nghiệp tới các đơn vị có liên quan và phổ biến cho sinh viên biết;
- Chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp;
- Xét tư cách dự thi tốt nghiệp và công bố danh sách sinh viên đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp cho sinh viên biết;
- Giao đề cương ôn tập, tổ chức ôn tập môn chính trị, lý thuyết chuyên môn nghề và luyện tập thực hành nghề cho sinh viên;
- Soạn đề thi, đáp án, thang điểm (Mỗi môn tối thiểu 10 đề), gửi về phòng Đào tạo của trường trước ngày thi 03 tuần;
- Gửi kế hoạch thi tốt nghiệp về Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ quản trước kỳ thi 03 tuần. Gửi đề thi kèm theo đáp án, thang điểm của các môn thi tốt nghiệp về Tổng cục Dạy nghề trước ngày thi 03 tuần.
Tổ chức bắt thăm và in sao đề thi:
Phòng Đào tạo của nhà trường tổ chức bắt thăm và in sao đề thi.
Môn Chính trị và Lý thuyết chuyên môn nghề: Bắt thăm và in sao đề thi ngay trước khi thi, bảo mật đề thi đã chọn.
Môn Thực hành: Bắt thăm đề thi thực hành trước khi thi 03 - 05 ngày để chuẩn bị các điều kiện cần thiết (máy, thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu,… ) cho kỳ thi.
Tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp và công bố kết quả thi tốt nghiệp:
Các trường cần chú ý đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kỳ thi đạt kết quả tốt; khẩn trương tổ chức chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp và công bố kết quả thi tốt nghiệp sau khi kết thúc kỳ thi; tại buổi lễ phát bằng tốt nghiệp, nên bố trí để doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp.
IV. TỔ CHỨC THÍ ĐIỂM KỲ THI TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ KHÓA 1 THEO NGÂN HÀNG ĐỀ THI CHUNG
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề sẽ phối hợp với các Bộ/Ngành chủ quản để lựa chọn một số trường làm thí điểm trong việc tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa I theo ngân hàng đề thi chung cho một số nghề phổ biến. Điều kiện để các trường tham gia thí điểm tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung là:
- Tự nguyện đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung;
- Cùng hợp tác để xây dựng bộ ngân hàng đề thi chung; đề thi được biên soạn riêng cho môn lý thuyết chuyên môn và thực hành nghề;
- Có đội ngũ giáo viên, có cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đáp ứng được yêu cầu thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung;
- Có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc ra đề thi, chấm thi và tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại doanh nghiệp;
- Có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề trong kỳ thi tốt nghiệp.
1. Số lượng trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung
Tại hội nghị triển khai kế hoạch thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề khóa I (2007-2010) đã được tổ chức vào ngày 09/4/2010 tại Đại Lải - Phúc Yên - Vĩnh Phúc, lãnh đạo các trường đã ủng hộ chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp dùng chung và đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khoá I theo ngân hàng đề thi chung, cụ thể như sau:
- Có 43 trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung;
- Các trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung cho từ 2 nghề trở lên; trong đó, 21 trường có từ 4 đến 10 nghề đăng ký tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chung.
2. Số lượng nghề được các trường đăng ký tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chung
Tổng số có 30 nghề được các trường đăng ký thi theo ngân hàng đề thi chung, trong đó tập trung vào 7 nghề phổ biến như sau:
- Điện công nghiệp: 34 trường;
- Công nghệ ô tô: 26 trường;
- Cắt gọt kim loại: 18 trường;
- Hàn : 22 trường;
- Điện tử công nghiệp: 9 trường;
- Kế toán doanh nghiệp: 10 trường;
- Quản trị mạng máy tính: 9 trường
Một số nghề mang tính đặc thù, có ít trường đào tạo nên chỉ có 1, 2 trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung như: Khai thác máy tàu biển, Kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò, Sửa chữa máy tàu thuỷ, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, v.v...
Do số lượng nghề được các trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung khá nhiều (30 nghề); việc tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung là một chủ trương mới, chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này; mặt khác, thời gian chuẩn bị không còn nhiều, vì vậy lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề quyết định chỉ tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung cho 7 nghề, gồm: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Điện tử công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị mạng máy tính. Mỗi nghề được tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung có tối thiểu 50 đề thi (Danh sách trường đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung cho 7 nghề nêu trên được gửi kèm công văn này).
3. Biên soạn đề thi tốt nghiệp dùng chung
Cấu trúc và mẫu định dạng của đề thi tốt nghiệp:
+ Cấu trúc của đề thi lý thuyết chuyên môn nghề bao gồm các câu hỏi/bài tập thuộc phần kiến thức kỹ năng bắt buộc được quy định trong chương trình khung và các câu hỏi/bài tập thuộc phần kiến thức kỹ năng tự chọn.
Khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng bắt buộc chiếm 70% khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng của toàn bài thi; được lựa chọn từ các môn học, mô đun chuyên môn nghề bắt buộc trong chương trình khung dạy nghề của từng nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành. Thời gian để thực hiện các câu hỏi/bài tập của phần kiến thức kỹ năng bắt buộc chiếm 70% tổng thời gian thực hiện bài thi.
Khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng tự chọn chiếm 30% khối lượng nội dung kiến thức, kỹ năng của toàn bài thi; được lựa chọn từ các môn học, mô đun nghề tự chọn trong chương trình dạy nghề của từng nghề tại từng trường. Các trường lựa chọn khối lượng nội dung, kiến thức kỹ năng tự chọn sao cho phù hợp với đặc điểm của nghề, vùng/miền và điều kiện thực tế của nhà trường. Nếu thấy phần kiến thức kỹ năng tự chọn của đề thi trong ngân hàng đề thi đã phù hợp, nhà trường có thể sử dụng nguyên đề thi trong ngân hàng đề thi. Thời gian để thực hiện các câu hỏi/bài tập của phần kiến thức kỹ năng tự chọn chiếm 30% tổng thời gian thực hiện bài thi.
+ Đề thi thực hành được xây dựng theo dựng trên cơ sở mẫu định dạng của đề thi tay nghề quốc gia năm 2010 (tham khảo tại website của Tổng cục Dạy nghề: http://www.tcdn.gov.vn/web/guest/hoi-thi-tay-nghe)
Sử dụng font chữ Times New Roman, cỡ chữ 13-14 để biên soạn đề thi lý thuyết và đề thi thực hành.
Cơ cấu điểm của đề thi:
Thang điểm của đề thi lý thuyết chuyên môn là thang điểm 10. Điểm dành cho phần kiến thức, kỹ năng bắt buộc chiếm 70% điểm toàn bài thi. Điểm dành cho phần kiến thức, kỹ năng tự chọn chiếm 30% điểm toàn bài thi.
Thang điểm của đề thi thực hành nghề là thang điểm 100, sau khi chấm thi sẽ quy về thang điểm 10. Cơ cấu điểm của đề thi thực hành bao gồm: Điểm kỹ thuật, điểm thời gian thực hiện, điểm an toàn lao động, điểm tổ chức nơi làm việc và điểm làm việc theo tổ/nhóm (nếu có).
Quy trình biên soạn đề thi tốt nghiệp dùng chung:
+ Các trường có nghề đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung có trách nhiệm biên soạn đề thi tốt nghiệp, mỗi nghề 10 đề thi lý thuyết chuyên môn nghề và 10 đề thi thực hành nghề (kèm đáp án, thang điểm); gửi đề thi kèm đáp án, thang điểm về Tổng cục Dạy nghề (E.mail: vudaotaonghe@gmail.com).
+ Các trường gửi đề thi (kèm đáp án, thang điểm) cho các trường có cùng nghề đăng ký thi theo ngân hàng đề thi chung để lấy ý kiến đóng góp. Tổng cục Dạy nghề phân công một trường chủ trì, chịu trách nhiệm phối hợp với các trường khác để tổng hợp và hoàn thiện đề thi theo định dạng thống nhất cho nghề được phân công.
+ Từng trường hoàn thiện đề thi (kèm đáp án, thang điểm) cho nghề đăng ký tổ chức thi theo ngân hàng đề thi chung, gửi đề thi hoàn thiện (kèm đáp án, thang điểm) về Tổng cục Dạy nghề (E.mail: vudaotaonghe@gmail.com).
Ngân hàng đề thi tốt nghiệp dùng chung được công bố trên trang web của Tổng cục Dạy nghề (http://www.tcdn.gov.vn).
4. Tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung
Năm 2010 sẽ tổ chức thí điểm thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung cho 7 nghề, gồm: Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Hàn, Điện tử công nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Quản trị mạng máy tính.
- Việc biên soạn đề thi tốt nghiệp dùng chung được thực hiện theo quy trình nêu trên.
- Đến kỳ thi tốt nghiệp (theo kế hoạch tiến độ khoá học/năm học của nhà trường), các trường đã đăng ký tổ chức thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung cho 7 nghề nói trên sẽ tự tổ chức bắt thăm đề thi từ ngân hàng đề thi chung, biên tập thành đề thi của trường (kèm đáp án, thang điểm) trình lãnh đạo trường phê duyệt để thực hiện.
V. CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT KỲ THI TỐT NGHIỆP CAO ĐẲNG NGHỀ KHÓA 1, CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP VÀ TỔ CHỨC ĐỂ DOANH NGHIỆP TIẾP NHẬN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP VÀO LÀM VIỆC TẠI DOANH NGHIỆP
Các cơ quan quản lý dạy nghề ở trung ương và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề khoá I, cụ thể là:
- Các trường cần thành lập tổ công tác giám sát kỳ thi;
- Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội và đơn vị chủ quản của các trường cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát kỳ thi tốt nghiệp Cao đẳng nghề khoá I tại các trường;
- Chậm nhất sau kỳ thi tốt nghiệp 30 ngày, các trường lập báo cáo tình hình tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp Cao đẳng nghề khoá I gửi về Tổng cục Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đơn vị quản lý trực tiếp để theo dõi, quản lý.
Trên đây là ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Dạy nghề về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa I, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, thực hiện./.
KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo TCDN (để chỉ đạo thực hiện);
- Lưu: VT, ĐTN.
Dương Đức Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét